Bức thư Tri ân thứ hai
Mỹ Đức, ngày 17 tháng 5 năm 2010
Gửi Bố thân yêu của con!
Kể từ khi chào đời, tiếng gọi đầu tiên của con là “Ba” nhưng chẳng biết tự lúc nào con đã quen dùng từ “Bố”. Trong 18 năm qua, bao nhiêu lần con nhìn vào mắt Bố? Bao nhiêu lần con nói tiếng cảm ơn? Những câu hỏi ấy làm lòng con thắt lại. Có lẽ, chưa có bài viết nào con can đảm ghi hết những tình cảm con dành cho Bố.
Trong những ngày cuối cùng của tuổi học trò, nhà trường tổ chức một buổi lễ tri ân, đây thật sự là một dịp chưa từng có để chúng con bày tỏ lòng biết ơn đối với những bậc sinh thành. Nhưng con đã không chiến thắng nổi bản thân mình, con đã không chiến thắng cái tôi đầy nhút nhát, con đã viết một bức thư thật vội vàng, thật vô cảm.
Trong một đêm trăn trở, những hình ảnh thân thương trong quá khứ lại ùa về, những câu nói quen thuộc ngày nào của Bố cứ âm vang khi con nhắm mắt lại. Con hối hận vô cùng. Cả một đời Bố gian khổ hy sinh vì con nhưng chỉ một bức thư tri ân mà con cũng không có dũng khí ghi hết những cảm xúc của mình. Vì vậy, con viết lại bức thư này với trọn con tim hướng về Bố. Tuy nét chữ còn nghệch ngoạc, câu từ còn nhiều lỗi sai nhưng đó là lòng biết ơn, là những cảm xúc chân thật nhất mà con gửi đến Bố.
Nhìn lại tuổi thơ đã rời xa trong kí ức, hình ảnh con nhớ nhất là lúc Bố cõng con đi lấy những tổ chim trên đồng, một cánh đồng mênh mông lúa vàng. Bố chỉ cho con một mùa gặt sắp đến, Bố chỉ cho con cánh cò đang vụt cánh bay xa. Bố vui cười trả lời những câu hỏi thật trẻ con của con: “Sao con cua bò ngang vậy Bố?”. Bố là một người thầy đặc biệt, Bố không cầm tay con tập viết, không dạy con làm toán cộng trừ, nhưng Bố dạy con những bài học về đạo đức, về nhân cách bằng những cử chỉ, lời nói thật ân cần và trìu mến.
Là một người nông dân đích thực nên bất cứ chuyện gì bố đều liên hệ với việc đồng áng. Bố nói cuộc đời của con người cũng giống như cuộc đời của cây lúa nảy mầm từ đất mẹ yêu thương, khi lớn lên hiến dâng những hạt gạo thơm cho đời nhưng gốc rễ vẫn bám sâu vào lòng đất. Mỗi lời dạy của Bố, con đều xem là một bài học quý báu mà cả cuộc đời này con vẫn không học hết được.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, Bố chưa từng dùng đòn roi khi con sai phạm, thay vào đó là những lời phân tích, giải thích thật nghiêm khắc để con nhìn thấy lỗi sai. Con vẫn còn nhớ in hồi lớp 4, có lần Bố đã không cho con đi thả diều nên con đã giận bố, giận bố rất nhiều. Con nghĩ Bố chẳng hề thương con, một con diều xơ xác, một hy vọng bé nhỏ có được một con diều bình thường như bao đứa trẻ khác trong xóm cũng không có, giờ lại không được đi thả. Con nghĩ số phận thật quá bất công. Con đã không nhìn Bố, không nói chuyện với Bố suốt mấy ngày liền. Nhưng đến cuối tuần, một con diều mới toanh nằm trên bàn khi con vừa đi học về. Mẹ nói: “Thật ra Bố đã làm nó từ trước, nhưng vì tuần này con đang thi nên Bố không muốn con mê thả diều quá, như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”. Con thật xấu hổ vô cùng vì hành động thiếu suy nghĩ của mình. Con đã chạy đến bên Bố, nhưng một tiếng nấc nghẹn ngào đã ngăn mất lời xin lỗi của con. Bố cười khi thấy con hiểu ra mọi chuyện, cười vì sự ngây thơ và cứng đầu của đứa con mới lớn.
Bước vào cấp 3, gánh nặng việc học của con càng đè nặng trên vai Bố. Bố rất ít nói với con về kinh tế của gia đình, Bố không muốn con lo nghĩ nhiều. Mỗi khoản tiền học tăng thêm, Bố về nhà càng trễ. Chợt một ngày con cầm lấy tay Bố, một bàn tay đen sạm vì cháy nắng và chai lên từng mảng thô ráp, con thấy thương Bố thật nhiều! Bàn tay ấy hoàn toàn không ghê sợ, một bàn tay yêu thương dịu dàng, một bàn tay đã nuôi lớn con suốt 18 năm trời. Rồi Bố nói: “Bàn tay này chẳng sao cả, nó vẫn còn đủ sức mạnh để lo cho việc học của con”.
Một cây mạ non yếu ớt ngày nào của Bố nay đã sắp trổ bông. Bố hãy yên tâm giờ con đã trưởng thành. Con sẽ san sẻ việc gia đình cùng Bố. Con xin hứa sẽ chăm chỉ học tập để vượt qua các kì thi sắp tới.
Con xin cảm ơn Thượng đế vì đã ban cho con một người Bố tuyệt vời nhất thế gian này. Ngay lúc này, con muốn được tựa vào lòng Bố, nói với Bố một điều mà bấy lâu nay con hằng giấu kín: “Con yêu Bố rất nhiều!”.
Con yêu của Bố!
Nguyễn Thành Luân
(Học sinh lớp 12A9- Trường THPT Châu Phú)